Tag Archives: ngay 2 thang 9

Hồ Chí Minh Có Chống Pháp Không?

Ngoài ngày 2/9 mỗi năm Đảng Cộng Sản Việt Nam làm lễ đánh bóng, ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh, mỗi ngày tuổi trẻ tại Việt Nam hiện nay phải học “đạo đức” của ông Hồ, học  công “đánh Pháp giành độc lập” và “tư tưởng Hồ Chí Minh” v.v…Về nhân vật Hồ Chí Minh, nói chung, ít ai có thể trình bày hoàn toàn một cách sâu rộng để nói lên hết bản chất thực về con người này. Hồ được ví như một đại kịch sĩ. Ông ta có hơn 170 tên họ, bút danh, bí danh dùng để hoạt động, viết bài, qua mặt người khác, cộng thêm một hệ thống tuyên truyền tinh vi của Đảng, tạo dựng ra một hình ảnh vượt xa hẳn sự sống và cuộc đời của một con người bằng xương bằng thịt.

Tôi được biết không ít người ở Việt Nam vẫn còn tin ông Hồ có công đánh Pháp giành độc lập. Đó được coi như lý do nổi cộm nhất để đưa nhân vật họ Hồ thành một “anh hùng dân tộc.” Vậy thực sự Hồ Chí Minh có phải là anh hùng chống Pháp không? Và chống như thế nào? Nếu ông là phe cánh của Pháp thì như thế nào? Bài viết xin trình bày và phân tích những diễn biến trước và sau ngày 2/9/1945, ngày Hồ Chí Minh ra mắt tại quảng trường Ba Đình đọc “Tuyên Ngôn Độc Lập.”

Trên tờ “Cứu Quốc” của Việt Minh ra ngày 29/8/1945, có đăng bản tin: “Đêm 25-8-45, máy truyền thanh vang rạy khắp mọi phố, mọi ngả đường, mọi hang cùng, ngõ hẻm dục đồng bào đúng 11 giờ ngày 26 đi biểu tình nghênh tiếp một số ủy viên trong chính phủ lâm thời và phái bộ điều tra Mỹ mới về Hà Nội. Sôi nổi và thao thức mong đợi…,Anh Võ Nguyên Giáp bằng một giọng đanh thép, vạch rõ bổn phận của quốc dân trong lúc này là phải gấp đoàn kết, gạt bỏ hẳn tư tưởng đảng phái, tôn giáo, giai cấp, mau gây một tinh thần chiến đấu hùng hậu để đối phó với mọi tình thế gay go nghiêm trọng rất có thể sẩy ra…”…Võ Nguyên Giáp:” chúng ta phải đoàn kết và thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để thực hiện sự đoàn kết đó, trong chính phủ lâm thời sẽ có thay đổi và mở rộng phạm vi để đón tiếp các vĩ nhân…”

Tại sao có sự cần thiết phải cấp tốc thực hiện ngay một cuộc biểu tình nghênh tiếp phái bộ Mỹ OSS (Office of Strategic Services) dẫn đầu là thiếu tá Archimedes Patti?

Hồ Chí Minh và tập đoàn cướp chính quyền Trần Trọng Kim ngày 19/8/1945, sau lúc Nhật bị hai trái bom nguyên tử của Mỹ bỏ tại Hiroshima và Nagasaki. Như bản tin trên, Việt Minh đang thành lập “chính phủ lâm thời.” Trước khi tuyên bố chính phủ một cách chính thức, phái đoàn Việt Minh vận động ráo riết để tìm phe ủng hộ. Không ai hơn là Hoa Kỳ. Thế nên, ngày 25/8/1945,trên các làn sóng, báo chí Việt Minh kêu gọi thúc giục dân ra đường ngày hôm sau, 26/8/1945, để nghênh tiếp phái bộ Mỹ OSS cùng phái đoàn Việt Minh.

Chính phủ không do dân bầu ra thì ít nhất cũng phái có một quốc gia nào khác công nhận. Nếu không thì, không hơn không kém, cũng giống như một đảng cướp từ trong rừng ra thành dùng vũ lực cướp bóc rồi tự thành lập chính phủ cho mình. Do vậy mà “tình thế gay go nghiêm trọng rất có thể sẩy ra” như lời Võ Nguyên Giáp nói. Đó có phải là vấn đề đối phó với các thành phần không cộng sản, các đảng phái quốc gia. Những khối này chắc chắn không thể chấp nhận một nhà nước độc tài khi họ đã có một thời gian dài tranh đấu chống thực dân Pháp cho quyền tự do làm người. Bởi thế mà nỗi lo của Võ Nguyên Giáp rất là hợp lý. Vậy thì tương kế tựu kế để “thay đổi và mở rộng phạm vi,” phải bắt tay với kẻ thù, lèo lái công cuộc đi đến mục đích. Thế nên về sau mới biết có nhiều người bị trúng kế, ân hận đã trễ, hay lỡ leo lưng cọp thì leo luôn là vậy. “Chính Phủ Liên Hiệp” ra đời cần thiết trong giai đọan cũng với mục đích là Việt Minh nắm chính quyền, dù là liên hiệp, rồi sau đó lộ hẳn đường lối cộng sản.

Cuộc biểu tình ngày 26/8/1945 để chuẩn bị cho ngày 2/9/1945 kết quả như thế nào? Phái đoàn Mỹ đã không có mặt tại cuộc biểu tình. Chắc chắn ông Patti được lệnh từ Washington khi biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, một tên quốc tế cộng sản đang hoạt động tại Đông Dương. Liền đó, Hồ lập tức cho Võ Nguyên Giáp hướng dẫn một phái đoàn đến ngay chỗ cư ngụ của Patti tại Hà Nội. Xin trích nguyên văn đoạn sau đây trong sách “Why Vietnam” của Patti, in dưới một tấm hình, sau trang 234 : “26 August 1945, Hanoi. Ho Chi Minh sends an official delegation headed by Vo Nguyen Giap to welcome the American OSS mission to Hanoi. While the band plays the American National Anthem, Giap and his delegation join the author and the OSS team in saluting the American flag.” Đoạn này được dịch: “Hồ Chí Minh gửi một phái đoàn dẫn đầu bởi Võ Nguyên Giáp để nghênh tiếp nhân viên tình báo OSS của Mỹ tại Hà Nội. Trong khi giàn nhạc đánh bài Quốc Ca Hoa Kỳ, ông Giáp và phái đoàn của ông ta đứng cùng với người viết sách này (Patti) và đoàn OSS nghiêm chào cờ Mỹ.”

Như vậy thì quá rõ là phái đoàn Võ Nguyên Giáp đích thân mang cờ Hoa Kỳ, kèn trống từ chỗ biểu tình tới ngay trước cửa nhà thiếu tá Patti để làm lễ “nghênh tiếp một số uỷ viên trong chính phủ lâm thời và phái bộ điều tra Mỹ mới về Hà Nội” ngoài dự đoán của ông Patti.

IMG_1502

Patti in casual clothes with vo nguyen giap

Còn một tấm hình được chụp trong nhà trước khi Patti mặc lễ phục ra ngoài sân dự lễ chào cờ. Ông Patti trong bộ đồ thường (casual) đứng chung với phái đoàn của Võ Nguyên Giáp. Hình này được chụp từ một bài viết của một tổ chức có tựa “Hồ Chí Minh Dàn Cảnh: Tiếp Đón Phái Bộ Đồng Minh!” Dưới hình ghi “Trong ảnh: Võ Nguyên Giáp (cà vạt sọc), Nguyễn Hữu Đang (nón trằng), Nguyễn Lương Bằng (phía sau) kéo tới tư thất thiếu tá Patti, yêu cầu ông và nhân viên ra đứng trước cửa để đoàn biểu tình hoan hô phái bộ Đồng minh.” Chúng ta có thể nhìn hai tấm hình để so sánh và nhận ra thủ đoạn của tập đoàn Hồ Chí Minh. Trong hai tấm hình, phe Việt Minh cũng là những gương mặt đó, cũng những bộ đồ trắng đó, nhưng ông Patti thì mặc hai bộ khác nhau, một đồ thường và một lễ phục. Bởi vì khi vừa kéo tới nhà ông Patti, phái đoàn Việt Minh đã yêu cầu Patti ra ngay trước nhà chụp hình (sau lưng Nguyễn Hữu Đang là cánh cửa gỗ trước nhà, không phải ngoài sân) nên Patti mặc quần áo như thường. Sau đó vì ban nhạc ngoài sân trổ quốc ca Hoa Kỳ buộc lòng Patti phải thay lễ phục ra nghiêm chào.

Đối với cộng sản, tuyên truyền bằng hình ảnh rất là lợi hại. Chính Hồ Chí Minh khi gặp tướng Mỹ Chennault cũng yêu cầu Chennault cho một tấm hình và ký tên trong đó. Để chi vậy?  Hồ đem khoe với mọi người là người Mỹ đã ủng hộ ông ta. Sau này khi nhắc tới tấm hình, sĩ quan tình báo Mỹ, ông Charles Fenn (trong Uncle Ho, Uncle Sam video) cười mỉa mai và nhấn mạnh rằng người Mỹ ký tên tặng hình cho một người nào là điều bình thường, nhưng đối với Hồ Chí Minh tấm hình đó lại mang tính cách rất đặc biệt. Thế thì phái đoàn Việt Minh có ít nhất hai tấm hình để làm bằng chứng Mỹ ủng hộ, mặc dù Mỹ không hề đặt chân tham dự cuộc biểu tình nghênh đón.

Để đánh động thêm lòng hâm mộ Hoa Kỳ, mong rằng phái bộ OSS sẽ hiện diện một cách trịnh trọng trong ngày 2/9/1945 cùng với Hồ Chí Minh, 4 ngày sau, 30/8/1945, Việt Minh lại tổ chức thêm một cuộc biểu tình khác ngay tại Hà Nội để chống Pháp. Biểu ngữ có họ Hồ, cờ đỏ sao vàng, hình vẽ người dân bị Pháp hành hạ…Hình sau đây trong “Why Vietnam“, sau trang 234:

Đến đây người đọc sẽ viễn tượng ra ngày 2/9/1945 thế nào rồi! Trong khí thế chống đối lên án người Pháp, người dân đang náo nức chờ xem “đồng minh Hoa Kỳ” tỏ lộ như thế nào trong ngày quan trọng này, nhưng cuối cùng thì không có sự hiện diện của người Mỹ trên  sân khấu Ba Đình! Chỉ có một nhóm nhỏ đứng trong đám đông dưới khí hậu nóng bức của mùa thu Hà Nội, trong đó có thiếu tá Patti và đại úy Grelecki. Tài liệu video ghi lại cảnh ống kính camera cứ chăm chú vào mấy người Mỹ này mà quay phim, đoàn diễn hành trong lễ phục cứ đi qua đi lại nhiều lần trước mặt những sĩ quan tình bào này. Nhân chứng Grelecki cười to và kể lại như thế trong đoạn phim tài liệu. Người ta còn thấy nhiều biểu ngữ tiếng Anh hoan hô Hoa Kỳ, ngay cả biểu ngữ thật to quanh khán đài “THE DOC LAP”, nửa Anh nửa Việt.

Đến đây trong sự suy luận tầm thường thôi cũng biết rằng người Mỹ đã không đến dự ngày 26/8/1945 thì chẳng lẽ lại đến tham dự ra mắt với ông Hồ trên khán đài ngày 2/9/1945. Hồ Chí Minh bối rối lắm, ngay lúc đứng trên sân đài đọc diễn văn, chắc chắn là vậy. Công trình cực khổ cả mấy tuần trước để chỉ mong Mỹ đứng chung với Hồ tuyên bố công nhận “chính phủ”, hoá ra chỉ có vài ba người Mỹ đứng dưới đám đông quan sát mà thôi. Võ Nguyên Giáp cũng đoán được tình hình nên lời kêu gọi được đăng trên báo “Cứu Quốc” cũng rất thiết tha. Đoàn kết để cứu vãn tình thế, phải dấu thật kín hai chữ “cộng sản” để dễ hợp tác với các thành phần quốc gia, “mở rộng phạm vi” là vậy.

Thất bại ngay ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh tính sang một thủ đoạn khác, một kế sách khác: Đi đêm với viên đại diện Pháp, Jean Sainteny, mong Pháp quay đầu trở lại Việt Nam.

Sainteny lại là đảng viên Đảng Xã Hội nên việc giúp Hồ, một thủ lãnh Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng không có gì vô lý. Hơn nữa, và quan trọng không kém, tại Pháp hiện trong giai đoạn này Đảng Xã Hội đang nắm quyền quốc hội, đứng đầu bởi thủ tướng Felix Gouin (1/1946 – 6/1946). Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản sau sát nhập như một. ” Ngày 16/2/1946, hai bên đi đến chỗ chấp nhận nguyên tắc sơ lược: Việt Nam độc lập trong liên hiệp Pháp” (Sử Địa 12ab, nhà xuất bản Trường Thi, Saigon,1974.) Cũng theo sử liệu này, Hồ Chí Minh bị nhiều phản đối trong nội bộ Việt Minh và các khối chính đảng. Hồ phải thành lập và điều chỉnh “Chính Phủ Liên Hiệp” để câu thời gian vận chuyển tình hình.

Ngay lúc đang thảo luận thì tàu Pháp ra Bắc. Ngày 6/3/1946, tàu Pháp theo sông cửa Cấm vào Hải Phòng, nhưng bị quân Trung Hoa chận lại và đánh vào tàu Pháp. Cuộc chạm súng ngắn ngủi. Pháp thoát lui chờ đợi. Được tin này, Sainteny và Hồ Chí Minh ký ngay Hiệp Ước Sơ Bộ.

Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 nhấn mạnh sự công nhận của chính phủ Pháp đối với nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” do Hồ Chí Minh lãnh đaọ, và gồm một số điều khoản chia chát quyền lợi hai bên, cho phép Pháp được ở lại Việt Nam 5 năm, rồi sau đó điều đình tiếp.Việc Pháp về thay thế quân Tưởng để thu dẹp tàn quân Nhật chỉ được ghi ra trong hiệp ước mà thôi, hay nói đúng hơn, đó chỉ là cái cớ để tuyên truyền lý do tại sao Hồ mang Pháp trở lại lần hai để cai trị.

Ngay ngày hôm sau, taị Hà Nội, Việt Minh tổ chức lễ Pháp tuyên bố công nhận chính phủ của Hồ Chí Minh. “An Encyclopedia of World History, List of Events, 1945-1946,” có ghi:”Mar. 7, France recognized the Vietnam Republic as a free state but retained the right to defend it. French troops moved into this area of Indo-China March 8 without meeting resistance from the Annamese.” Nếu đã có hiện tượng Pháp trở lại Việt Nam để thay thế quân Tưởng (có sách cộng sản ghi Việt Minh đẩy lùi 20 ngàn quân Tưởng ra khỏi Việt Nam) thì quyển tự điển thế giới này đã ghi ra rồi.

Hiệp Ước Sơ Bộ có những điều khoản mà thống đốc D’argenlieu chống đối. D’argenlieu, không muốn thống nhất ba kỳ mà đòi Nam Kỳ tự trị. Việc bàn luận nội dung hiêp ước chưa đi đến kết quả gì chắc chắn. Vả lại, vì  hiệp ước là sơ bộ nên không có gì ràng buộc nên phải gặp quốc hội để có tính pháp lý. Được biết khi D’argenlieu tới Hà Nội để gặp Hồ Chí Minh về vụ Hiệp Ước Sơ  Bộ thì để đánh phủ đầu ông thống đốc, Hồ ra lệnh treo cờ, hoa giăng, biểu ngữ đầy đường coi như mừng ngày sinh nhật của ông ta. Có phải ông Hồ làm ra hiện tượng này để cho D’argenlieu thấy rằng dân chúng đang ủng hộ ông ta thì D’argenlieu nên chấp nhận cái hiệp định ấy đi. Đó là ngày 19 tháng 5, 1946, mà sau này Đảng dùng làm ngày sinh của ông Hồ một cách chính thức.

Ngày 28/5/1946 phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Pháp dự hội nghị tại Fontainebleau. Hồ Chí Minh cũng sang Pháp, nhưng đi riêng. Như vậy là thế nào? Hồ đã đoán được Phạm Văn Đồng thất bại nên phải làm một kế sách khác để cứu vãn tình hình.

Thật vậy, Hồ Chí Minh đã đoán đúng. Phái đòan Phạm Văn Đồng lủi thủi ra về trước sự hờ hững của quốc hội Pháp. Tại sao? Xin trích lại nguyên văn một đoạn sau đây trong “Đồng chí Hồ Chí Minh“, tác giả cộng sản E-Cô-bê-lép, trang 323:

“Những người cộng sản Pháp đã làm hết sức mình để buộc hội đồng chính phủ phải chú ý đến ý kiến của đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Tiếc rằng, Đảng cộng sản Pháp không chiếm được ưu thế trong nội các. Mùa thu 1946, những kẻ tán thành đường lối cứng rắn đối với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chiếm ưu thế trong các giới chính phủ Pháp. Chính vào lúc này vũ đài chính trị Pháp ngả về phe hữu. Trong cuộc bầu cử ngày 2 tháng 6, Đảng cộng sản và Đảng xã hội Pháp mất đa số trong quốc hội lập hiến và ủy ban hiến pháp, còn người đứng đầu chính phủ không phải là đảng viên xã hội như trước đây nữa mà là Bi-đôn, thủ lãnh Đảng phong trào cộng hoà bình dân thuộc phái tăng lữ.”

Giáo sư William Duiker trong sách “Ho Chi Minh A Life” cũng đã đưa ra hình ảnh và những chứng minh khoa học về hiện tượng Fontainebleau này (Ho Chi Minh, William Duiker, trang 426).

Dich: Vào đầu tháng 6, 1946, đại diện nước Pháp, ông Jean Sainteny đưa Hồ Chí Minh đi từ thành phố Biarritz đến Paris để dự hội nghị hoà bình tại Fontainebleau. Tại đây, ông Hồ và Sainteny chờ đợi máy bay đến khi đang ngồi trong phi trường tại Paris. Sainteny, trong hồi ký của ông, đã ghi lại là Hồ Chí Minh tỏ ra lo sợ một cách lạ lùng trên vấn đề hội họp tại Fontainebleau.

Thật vậy, chẳng những ông Duiker diễn tả ông Hồ tỏ ra lo sợ một cách lạ lùng còn cho người đọc thấy hình ảnh Hồ chụp với Sainteny tại phi trường Paris với gương mặt vô cùng bất bình thường.

Thêm một chứng minh hùng hồn khác trong sách “Hỏi và Đáp về Cuộc Đời và Sự Nghiệp của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Viện Bảo Tàng HCM, nxb Trẻ, 1999.” ” Hỏi: Tạm ước 14-9-1946 do ai ký? Nhằm mục đích gì? Đáp: Tạm ước 14-9-1946 do Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp. Đây là một sách lược ngọai giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm làm cho nhân dân ta có thêm thời gian để chuẩn bị tòan quốc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.”

Rõ ràng, quốc hội Pháp nay không còn lãnh đạo bởi phe Đảng Xã Hội và Cộng Sản nữa nên việc “liên hiệp Pháp” của Hồ Chí Minh coi như không thể thực hiện một cách lâu dài như dự tính trong Hiệp Ước Sơ Bộ. Con đường cùng, Hồ tìm đến gặp Bộ Trưởng Thuộc Địa, ông Marius Moutet, cũng là đảng viên Xã Hội. Hồ Chí Minh gõ cửa nhà Moutet lúc 2 giờ sáng, 14/9/1946, để hai bên ký một “tạm ước”, có tên “Modus Vivendi”, trong đó gồm 11 điều khoản có lợi hai bên. Tuy nhiên, tạm ước này không có giá trị gì cả, bởi Moutet không phải là đại diện của quốc hội Pháp, ông chỉ là một viên chức của bộ thuộc địa mà thôi, cũng là phe cánh của Hồ Chí Minh thời gian Hồ còn bên Pháp hoạt động trong Đảng Cộng Sản.

Đảng giải thích trong sách giáo khoa cho rằng Hồ Chí Minh có “sách lược ngọai giao tài tình” để “có thêm thời gian” chuẩn bị thật quả đúng không sai chút nào. Đi nài nỉ không thành công, biết mình đã bị bỏ rơi, bị “phe hữu” lên nắm quyền chống lại “phe tả” (tức cộng sản) nên Hồ đăm ra bối rối, và trong cơn túng quẩn phải làm một cách vá víu là tìm gặp Moutet ký tạm ước vô giá trị này để “câu giờ.” Nhiều sách báo của cộng sản cũng hay đề cập tới 4 tháng ông Hồ ở bên Pháp để vận động. Sách ghi khá chi tiết về những nhân vật Hồ Chí Minh gặp. Họ không ai khác hơn là các thành phần của Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản Pháp. Ngay cả lúc trở  về Việt Nam, ngày 22 tháng 9, 1946, ông Hồ còn nương níu một lần chót bằng cách viết thư cho một “đồng chí” người Pháp là bà Sô-Dít (không biết tên thật đánh vần thế nào, đây là cách viết tên người Pháp của ông Hồ) để mong bà ta giúp đỡ làm cách nào để Pháp hợp tác với “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.”

Tiếp theo là cuộc xung đột xảy ra giữa hai phe: Pháp và Việt Cộng. Ngày tuyên chiến đầu tiên 19/12/1946.

Hồ Chí Minh bấy giờ bắt đầu đổi chiến thuật tuyên truyền: hô hào toàn dân chống Pháp với chiêu bài Pháp trở lại xâm lược. Nhưng người ta tự hỏi: tại sao mới ngày nào đây từ 6/3/1946, tức trong vòng 8 tháng nay phe Việt Minh và Pháp là một, thậm chí Việt Minh còn mượn tay Pháp sát hại các đảng phái quốc gia, tiêu diệt đến tận cội rễ, nay sao lại tuyên chiến là thù địch? Trong dân gian thành Hà Nội thời đó có truyền nhau câu ca dao:” Mộ Quỳnh cỏ mọc còn xanh. Hỏi ai bán nước: ấy anh già Hồ.” Phạm Quỳnh bị lên án thân Pháp và bị sát hại ngày 6/9/1945, nhưng rồi mộ chôn ông còn mới, cỏ mọc còn xanh tươi, thì chính người lên án và ra lệnh giết Phạm Quỳnh với tội thân Pháp lại mang Pháp về. Hồ cùng phe với Pháp một thời gian, sau đó lại quay sang chống Pháp. Lý do của sự thay đổi như trở bàn tay của Hồ Chí Minh trong giai đoạn này đã được trình bày trên.

Chiêu bài “chống Pháp xâm lược” của Hồ Chí Minh mà cũng có hàng triệu triệu người tin và nghe theo. Nếu chịu suy  nghĩ một chút thì thấy ngay sự lường gạt của ông Hồ, nhưng thời đó đại đa số chống Pháp như truyền thống, không biết rằng Pháp của thời thực dân trước 1945 và Pháp sau thế chiến thứ 2 hoàn toàn khác nhau. Bắt đầu năm 1946, Pháp cũng như tất cả các nước có thuộc địa như Pháp, Tây Ban Nha, Anh…đều bị ràng buộc bởi quốc tế và ký trả lại độc lập cho những nước thuộc địa, trong đó có Philippines, Ấn Độ, Lebanon, Syria, v.v…Còn Việt Nam thì Pháp đã ra sau khi Nhật đảo chánh Pháp và chính vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 11/3/1945. Vua Bảo Đại đã xé hòa ước 1884 giữa Pháp và Việt Nam. Thế giới tự do sau thế chiến thứ 2 phải đương đầu với sự bành trướng của làn sóng cộng sản, nhất là ở Âu Châu, và sau đó là Á Châu mà Hồ Chí Minh là một lãnh đạo sừng sỏ có thành tích hoạt động cho quốc tế cộng sản hơn 30 năm.

Hồ hô hào Pháp trở lại “thực dân” và “xâm lược” khi không trả lời được sự mâu thuẫn. Chính Hồ Chí Minh đã ở Pháp 4 tháng (từ 6/1946 – 9/1946) để vận động kêu gọi các đồng chí của ông ta giúp làm mọi cách để Pháp chấp  nhận “chính phủ” của Hồ, làm mọi cách để thực hiện Hiệp Uớc Sơ Bộ 6/3/1946, để hai bên Pháp và Việt Minh cùng hưởng lợi. Nếu Pháp có ý đồ thực dân hay xâm lược thì dĩ nhiên nên chấp nhận cái Hịêp Uớc Sơ Bộ đó ngay, không phải bị mang tiếng như trước đây, vì Pháp được “mời” về cai trị tiếp. Nhưng không, vào tháng 6/1946, khi chính phủ mới của Pháp, dẫn đầu là thủ tướng Georges Bidault (6/1946 – 11/1946), đã công khai chống Hồ Chi Minh với lý do Hồ là cộng sản. Dẫn chứng được trình bày rõ mà E-Cô-bê-lép đã ghi trong sách được trích ở trên.

Việt Minh không hẳn tất cả là những người cộng sản. Một số đông là những thành phần yêu nước thật sự. Họ tham gia chống Pháp coi như là bổn phận, nhưng rồi sau đó có thể lầm lẫn nghe theo cộng sản, hoặc bị lôi cuốn vào quỹ đạo với thời gian và hoàn cảnh. Đáng ghi nhận hơn hết trận chiến đầu tiên phân ranh quốc cộng phải là trận chiến này. Chiến tranh kéo dài từ 12/1946 đến 5/1954, kết thúc tại Điện Biên Phủ.

Cộng sản thường huyênh hoang chiến tranh 1946-1954 có mục đích giành độc lập, giành lại chủ quyền từ tay người Pháp. Phần trình bày trên đã chứng minh Hồ Chí Minh bắt buộc phải đương đầu với Pháp vì Pháp đã tuyên chiến trước. Pháp đánh Hồ Chí Minh vì Hồ là cộng sản, là đe dọa cho hoà bình thế giới. Đó không phải là cuộc chiến tranh giành độc lập, một cách hiển nhiên là như thế.

Thật ra, trận Điện Biên Phủ không phải là sự thành công hoàn toàn của phe cộng sản Việt Nam. Nhiều tài liệu cho thấy Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã nhận chỉ thị từ Trung Cộng; thêm vào, Trung Cộng tiếp tế súng đạn và nhân sự cho trận chiến. Sự chiến thắng đó xem ra cũng chưa hẳn vẻ vang khi đã thiêu đốt hằng ngàn thân xác một cách vô thương tiếc với chủ trương “biển người” (human wave) của cộng sản. ” Thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng” mà Võ Nguyên Giáp đã nêu lên trong lời kêu gọi là vậy.

Trở lại lúc Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946, khi vận động tìm phe ủng hộ. Hồ đã gặp ông tướng Salan. Ông Salan đã nói:” We are going to fight each other, and it will be very difficult – Chúng ta sắp đánh nhau, và nó sẽ rất là khó khăn.” “Indeed, Ho had told Sainteny and Marius Moutet, “If we have to fight, we will fight…You will kill ten of us and we will kill one of you, but you will be the ones who grow tired. – Hơn nữa, Hồ đã nói với Sainteny và Marius Moutet là “Nếu chúng tôi đánh, chúng tôi sẽ đánh…Các ông giết chúng tôi 10 người và chúng tôi chỉ giết 1 người của phe ông, nhưng các ông sẽ là những người trở nên mệt mỏi…”” (trang 120, Ho Chi Minh, Pierre Brocheux). Điều này chứng tỏ ông Hồ đã có trong đầu chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” và “biển người” từ lâu. Thân phận người Việt Nam trong cuộc chiến chỉ là con vật hy sinh để Hồ bước lên địa vị lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam và làm theo lệnh quốc tế cộng sản.

Có người đặt câu hỏi: khi nói Hồ Chí Minh chống Pháp thì phải hỏi là Pháp nào? Pháp cộng sản hay Pháp quốc gia? Thật vậy, những gì người viết trình bày trên đã cho thấy gian hùng Hồ Chí Minh và tập đoàn đã lộ hẳn bộ mặt vong bản, sẵn sàng làm nô lệ cho bất cứ ai miễn sao bảo đảm được quyền lợi thống trị của Đảng. Chủ trương của cộng sản biến thái từng giai đoạn, đu giây để được tồn tại. Một mặt thì hô hào tiêu diệt kẻ thù, mặt khác thì xin xỏ được làm bạn với chính kẻ thù đó, như trường hợp Hồ Chí Minh đối với Hoa Kỳ và Pháp. Hồ theo Pháp mang Pháp về cai trị vì Pháp đó là Pháp cộng sản, Pháp của Đảng Xã Hội. Hồ chống Pháp vì quốc hội Pháp chuyển sang thành phần “phe hữu” chống cộng sản.

Tóm lại, trận chiến 1946-1954 là trận chiến đầu tiên phân ranh quốc cộng; và cho đến hôm nay cuộc chiến quốc cộng vẫn còn đang tiếp diễn. Bổn phận người dân có trách nhiệm với quốc gia dân tộc, nhất là những ai còn mù mờ tin theo cộng sản, xin hãy tìm hiểu sự thật để có hành động thích đáng trước tình cảnh đất nước hiện tại. Không thể tôn vinh những điều sai trái, ngụy biện. Hành động bán nước hại dân lại được đặt tôn là vì đất nước dân tộc. Hơn trên tất cả, chủ nghĩa cộng sản lỗi thời, cộng thêm tính vô nhân bản, mà Hồ Chí Minh mang vào áp đặt bằng bạo lực lên dân tộc Việt Nam, không một kẻ có lương tâm lương tri nào chấp nhận được. Chiêu bài Hồ Chí Minh có công đánh đuổi Pháp để giành lại quyền độc lập có đủ để tha thứ cho những cái tội quá lớn không?

Bút Sử

8/2007